Bamboo’Ali tiên phong tại Việt Nam chuyên cung cấp ván sàn tre, ốp trần, ốp tường và nội thất tre ép với thương hiệu đã được khẳng định trên thị trường từ năm 2007.
Vật liệu từ tre có thể thay thế gỗ tự nhiên trong tương lai?
Vật liệu từ tre có thể thay thế gỗ tự nhiên trong tương lai?
(KTVN) – Ông Đặng Đình Trạm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vật Liệu Xanh Ali Việt Nam cho rằng, hiện nay, vật liệu từ tre ưu việt hơn hẳn so với gỗ công nghiệp và trong tương lai có thể thay thế gỗ tự nhiên.
Mục lục
Tuy nhiên, đặc tính sản phẩm từ tre ưu việt hơn với sản phẩm gỗ công nghiệp. Hiện tại, sản phẩm từ tre tương đương với gỗ tự nhiên nhưng trong tương lai khi mà nguồn gỗ tự nhiên càng ngày càng khan hiếm thì giá gỗ tự nhiên càng ngày gia tăng còn các sản phẩm từ tre sẽ rẻ hơn rất nhiều.
Sự khác nhau giữa phương pháp xử lý tre hiện đại và dân gian
Trao đổi với phóng viên Tạp chí Kiến trúc Việt Nam về vấn đề này, ông Đặng Đình Trạm (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vật Liệu Xanh Ali Việt Nam), người có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực vật liệu từ tre cho biết, hiện nay, ở Việt Nam và trên thế giới đang sử dựng công nghệ EDS để xử lý vật liệu từ gỗ hay vật liệu lâm sản bằng phương pháp sấy. Bằng cách sấy, chúng ta sẽ dùng nhiệt để biến tính một số đặc tính của vật liệu, khiến cho sản phẩm có thể ngăn cản được côn trùng và tạo ra được tính bền vững cao hơn.
Trước đây, để cho sản phẩm tre được bền và đẹp thì người dân Việt Nam thường xử lý bằng phương pháp dân gian là ngâm cây tre ở trong nước khoảng 1 năm nhằm loại bỏ nguồn gốc thức ăn của mối mọt thì sản phẩm tre sẽ được bền đẹp lâu dài.
Bên cạnh đó, người dân cũng sử dụng một phương pháp khác là hun khói có tác dụng tương tự phương pháp ngâm trong nước, tuy hiệu quả lại thấp hơn nhưng lại rút ngắn được thời gian xuống còn 1-2 giờ.
Ông Đặng Đình Trạm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vật Liệu Xanh Ali Việt Nam
Ngoài ra, người dân còn sử dụng 1 phương pháp đó là xử lý bằng hóa chất, tuy nhiên phương pháp này có tính độc hại nên ít được sử dụng hơn.
Trong sản xuất công nghiệp hiện đại, tại Việt Nam cũng như trên thế giới đang sử dụng, xử lý nguyên liệu tre bằng phương pháp công nghiệp, dựa trên nguyên lý trong phương pháp truyền thống, tức là loại bỏ chất đường và biến tính vật liệu tre tự nhiên nhưng với một kỹ thuật hiện đại, giúp cho quy trình xử lý nhanh hơn và có thể triển khai được trên quy mô lớn.
Tại Việt Nam hiện nay, người dân chủ yếu sử dụng phương pháp luộc và hấp carbon để xử lý tre. Cụ thể, luộc tre là cho nguyên liệu tre vào một bể có pha loãng dung dịch oxy già (H2O2) hoặc là nước vôi trong rồi luộc để biến đổi chất đường lignin trong thân cây tre. Còn phương pháp hấp carbon là cho tre vào nồi hơi rồi tăng áp suất, tăng nhiệt độ lên cũng với mục đích làm chất đường lignin trong tre biến đổi nhưng thời gian rút xuống còn 1-2 ngày.
Tạo ra sản phẩm tre công nghiệp giống sản phẩm từ gỗ
Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vật Liệu Xanh Ali Việt Nam, sản phẩm từ tre được chia thành 2 nhóm là sản phẩm truyền thống và sản phẩm công nghiệp.
Trong đó, sản phẩm truyền thống là những sản phẩm được xử lý bằng phương pháp truyền thống dân gian giống như ngâm trong nước hoặc hun khói và được chế biến chủ yếu từ lao động thủ công. Có thể dễ dàng nhận thấy đó là những sản phẩm mây tre đan, đồ thủ công mỹ nghệ hoặc đồ nội thất bàn, ghế mà vẫn giữ nguyên thân ống tre.
Còn những sản phẩm công nghiệp là sản phẩm được xử lý bằng phương pháp phương pháp công nghiệp hiện đại, sử dụng máy móc nhiều hơn để biến cây tre trở thành vật liệu tương tự như gỗ. Trong đó, các sản phẩm đang có trên thị trường hiện nay như ván lót sàn tre, đồ nội thất bằng tre ép hiện đại và thậm chí sản phẩm tre ép công nghiệp có thể ứng dụng rất rộng rãi trong tương lai để làm nhà cửa và rất nhiều đồ dùng trong gia đình.
Sản phẩm tre chế biên công nghiệp không khác gì sản phẩm từ gỗ
Theo thống kê thương mại, tới thời điểm hiện tại thì trên thế giới các sản phẩm về truyền thống vẫn chiếm tới 95% và các sản phẩm công nghiệp mới chiếm 5% trong tổng giá trị 10-12 tỷ USD giao dịch sản phẩm tre trên toàn cầu, tuy nhiên, với những ưu việt của sản phẩm tre công nghiệp thì xu hướng sử dụng sản phẩm tre công nghiệp thì ngày càng phổ biến hơn thế giới cũng như ở Việt Nam.
Để từ một cây tre sản xuất ra sản phẩm giống gỗ như vậy thì phải trải qua rất nhiều công đoạn. Cụ thể, từ cây tre luồng sẽ chẻ thành các nan rồi dùng các phương pháp hiện đại (luộc hoặc hấp carbon) để xử lý tre. Sau đó, phải bào cho các nan tre vuông thành sắc canh rồi kết hợp với keo ghép các nan lại với nhau bằng máy ép áp lực cao để có thể tạo ra những vật liệu từ tre.
Trong phương pháp xử lý này, nhiệt độ hấp carbon khác nhau sẽ tạo ra những vật liệu tre có màu sắc khác nhau, đồng thời loại trừ được nguy cơ xâm hại của côn trùng.
Độ bền sản phẩm làm từ tre không thua kém gỗ
Đánh giá về độ bền giữa sản phẩm làm từ tre và sản phẩm làm từ gỗ, ông Đặng Đình Trạm khẳng định, độ bền của các sản phẩm từ tre không thua kém các sản phẩm từ gỗ: “Trong dân gian vẫn có câu nói ‘Tre già bằng bà Lim’, có thể thấy nếu chúng ta thu hoạch 1 cây tre mà đủ độ tuổi già thì kết cấu của vật liệu tre sẽ rất bền vững. Với phương pháp xử lý công nghiệp như hiện nay thì chúng ta tạo ra được những vật liệu có đặc tính kỹ thuật tương tự gỗ tự nhiên (nhóm 2, nhóm 3). Vật liệu từ tre này cứng hơn gỗ Sồi đến 25% và có độ bền tương tự gỗ tự nhiên”.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vật Liệu Xanh Ali Việt Nam cho hay, để trồng được 1 cây tre chất lượng thì mất 3-4 năm nhưng trong khi đó trồng 1 cây gỗ chất lượng tương tự thì phải mất 40-50 năm. Có thể thấy, tre có khả năng tái sinh nhanh, đảm bảo tính chất ổn định của rừng vẫn được giữ nguyên trạng. khi khai thác cây tre già thì măng mới lại tiếp tục mọc lên, do đó cây tre có lợi ích rất to lớn đối với môi trường.
Tức là, nếu trồng 1 rừng gỗ (keo hay bạch đàn) khi khai thác thì phải chặt hàng loạt. Còn nếu trồng tre người dân chỉ khai thác những cây già và khai thác xen kẽ bằng một kỹ thuật khai thác hiệu quả thì không những giữ cho sự ổn định của rừng mà còn giúp cho năng suất tre được bền vững và gia tăng trong những năm tiếp theo.
Không những thế, ngành công nghiệp tre phát triển sẽ tiêu thụ được nhiều tre hơn, giúp người nông dân có thể gia tăng thu nhập từ việc trồng tre bán cũng như gia tăng lao động trong việc chế biến che.
Xử lý tre bằng công nghệ hiện đại không gây ảnh hưởng môi trường
Về vấn đề môi trường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vật Liệu Xanh Ali Việt Nam cho biết thêm, phương pháp xử lý công nghiệp vẫn sử dụng nguyên lý trong xử lý truyền thống, trong quá trình xử lý luộc hoặc hấp carbon sẽ không cho thêm các loại hóa chất. Do đó, sản phẩm được tạo ra không chứa các loại hóa chất độc hại gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người cũng như môi trường.
“Trong quá trình sản xuất bao giờ cũng có rác thải, đối với các nhà máy mà chế biến tre thì người ta sử dụng những phần rác thải đó để đốt, làm nhiên liệu cung cấp cho quá trình hấp hoặc luộc trong nhà máy. Do vậy, đối với các nhà máy chế biến tre thì phát thải ra môi trường gần như không có và tỷ lệ sử dụng nguyên liệu tre gần như 100% trong nhà máy”, ông Trạm nhấn mạnh.
Về vấn đề giá thành, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vật Liệu Xanh Ali Việt Nam cho hay, nhiều người tiêu dùng cũng đặt câu hỏi so sánh về giá cả giữa các sản phẩm làm từ tre và sản phẩm làm từ gỗ.
Độ bền của các sản phẩm từ tre không thua kém các sản phẩm từ gỗ tự nhiên, thậm chí còn ưu việt hơn so với gỗ công nghiệp
Có thể thấy, nguyên liệu tre tự nhiên thì tương đối rẻ, và rẻ hơn so với gỗ rất nhiều. Nhưng để làm ra một sản phẩm tre ép như ván lát sàn tre hoặc đồ nội thất bằng tre thì phải trải qua rất nhiều công đoạn. Do vậy, giá thành của sản phẩm làm từ tre cuối cùng tương tự gỗ tự nhiên.
Tuy nhiên, đặc tính sản phẩm từ tre ưu việt hơn với sản phẩm gỗ công nghiệp. Hiện tại, sản phẩm từ tre tương đương với gỗ tự nhiên nhưng trong tương lai khi mà nguồn gỗ tự nhiên càng ngày càng khan hiếm thì giá gỗ tự nhiên càng ngày càng gia tăng còn các sản phẩm từ tre sẽ rẻ hơn rất nhiều.
Ngoài ra, trồng tre sẽ có một lợi ích khác đến môi trường là cây tre có khả năng hấp thụ khí CO2 cao hơn so với 1 cây gỗ thông thường và cây tre có thể sản sinh ra khí oxy cao hơn 35% so với gỗ trồng thông thường.
Quang Tuyền
Nguồn: https://kientrucvietnam.org.vn/vat-lieu-tu-tre-co-the-thay-the-go-tu-nhien-trong-tuong-lai/