Mình là Nguyễn Quỳnh Chi, một người đam mê đọc sách, yêu thích khám phá những vùng đất mới và say mê những không gian kiến trúc đẹp. Chi đã tốt nghiệp Đại học Duy Tân vào năm 2010 và từ đó đến nay, Chi đã có hơn 5 năm kinh nghiệm viết về kiến trúc. Với Chi, việc truyền tải vẻ đẹp và giá trị của kiến trúc đến với độc giả không chỉ là công việc mà còn là niềm đam mê. Chi luôn có thái độ cầu thị, cẩn thận tìm hiểu và đối chiếu từ nhiều nguồn thông tin khác nhau để mang đến những bài viết chất lượng, đầy đủ và chính xác nhất. Hy vọng rằng, qua từng bài viết, Chi có thể chia sẻ niềm đam mê và kiến thức của mình với tất cả các bạn.
Thiết kế không gian xanh: nguyên tắc và 35 ý tưởng nổi bật!
Xu hướng thiết kế không gian xanh ngày càng phát triển mạnh mẽ. Từ các công trình kiến trúc quy mô như tòa nhà, trung tâm thương mại cho đến các không gian sống nhỏ gọn như căn hộ, nhà phố đều có sự xuất hiện của những mảng xanh. Không chỉ có những chậu cây – sau đây sẽ là 35 ý tưởng để bạn mang thiên nhiên vào nhà!
Mục lục
- 1. Thiết kế không gian xanh là gì?
- 2. Các nguyên tắc chính trong thiết kế không gian xanh
- 3. 10 ý tưởng thiết kế không gian xanh cho phần ngoại thất
- 3.1. 01. Thiết kế nhà với sân vườn
- 3.2. 02. Tạo thảm thực vật cho phần sân thượng
- 3.3. 03. Ốp tường ngoài trời bằng gỗ
- 3.4. 04. Gạch thông gió kết hợp cây xanh
- 3.5. 5. Bể cá sân vườn
- 3.6. 06. Sử dụng bảng màu sắc tự nhiên
- 3.7. 07. Thiết kế mặt tiền kết hợp cảnh quan hiện đại
- 3.8. 08. Vách tường hoặc ô cửa kính lớn
- 3.9. 09. Thiết kế sân sau
- 3.10. 10. Sử dụng lam gỗ ngoài trời
- 4. 25 ý tưởng thiết kế nội thất không gian xanh
- 4.1. 01. Hình khối tự nhiên (Organic shape)
- 4.2. 02. Sàn gỗ
- 4.3. 03. Sơn tường bằng màu sắc dịu
- 4.4. 04. Tông màu đất
- 4.5. 05. Giếng trời
- 4.6. 06. Làm cho bức tường trông tự nhiên hơn
- 4.7. 07. Khoảng thông tầng kết hợp với cây xanh
- 4.8. 08. Chất liệu đá
- 4.9. 09. Tạo vườn cây ở hành lang hoặc ban công
- 4.10. 10. Cửa sổ lớn
- 4.11. 11. Họa tiết trang trí lấy cảm hứng từ thiên nhiên
- 4.12. 12. Kết hợp hài hòa giữa đá và gỗ
- 4.13. 13. Sử dụng các vật liệu tái chế
- 4.14. 14. Kết hợp với màu xanh olive
- 4.15. 15. Vách ngăn bằng tre
- 4.16. 16. Tối giản vật dụng
- 4.17. 17. Vải sợi organic
- 4.18. 18. Đặt gương ở vị trí chiến lược
- 4.19. 19. Mô phỏng thiên nhiên
- 4.20. 20. Tăng cường thông gió
- 4.21. 21. Tạo những góc thư giãn xanh mát
- 4.22. 22. Đồ nội thất gỗ
- 4.23. 23. Đồ nội thất và phụ kiện mây tre
- 4.24. 24. Tăng cường kết nối với ngoài trời
- 4.25. 25. Cây trồng trong nhà
Thiết kế không gian xanh là gì?
Thiết kế không gian xanh là một xu hướng kiến trúc hướng đến việc kết hợp hài hòa giữa không gian sống và thiên nhiên. Bằng cách đưa các yếu tố tự nhiên như cây cối, hoa lá, ánh sáng mặt trời và nước vào không gian sống, xu hướng thiết kế này tạo ra một môi trường sống xanh mát, tươi mới và gần gũi với thiên nhiên.
Bên cạnh đó, thiết kế không gian sống xanh còn hướng đến việc tôn vinh các vật liệu tự nhiên, các giải pháp tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Các nguyên tắc chính trong thiết kế không gian xanh
Không chỉ có cây xanh, dưới đây là những nguyên tắc cần chú ý để kiến tạo không gian xanh cho công trình:
2.1. Kết nối trực quan với tự nhiên
Để tối đa hóa sự kết nối giữa con người và thiên nhiên, chúng ta cần tạo ra những không gian mở, với tầm nhìn bao quát ra cảnh quan bên ngoài. Việc sử dụng cửa sổ lớn, ban công và các khoảng thông tầng sẽ giúp mang ánh sáng tự nhiên vào nhà và tạo ra một không gian sống hài hòa với môi trường.
2.2. Bảng màu sắc phù hợp
Chọn màu sắc phù hợp là yếu tố quan trọng nhằm tạo nên một không gian xanh, tự nhiên và thư thái. Dưới đây là gợi ý về các màu sắc bạn có thể tham khảo:
- Xanh lá cây: là màu sắc đặc trưng của thiên nhiên. Các sắc thái khác của tông màu này là xanh lam, xanh đậm, xanh olive cũng rất phù hợp với xu hướng thiết kế xanh.
- Nâu đất: tạo cảm giác ấm cúng, gần gũi với đất mẹ
- Màu vàng: gắn liền với ánh sáng mặt trời, mang lại sự ấm áp và năng lượng cho không gian
- Xanh dương: đại diện cho nước, gợi lên sự mát mẻ, yên bình
- Trắng, be: giúp không gian trở nên tươi sáng, rộng rãi hơn.
2.3. Vật liệu tự nhiên
Vật liệu đóng vai trò trung tâm trong việc kiến tạo không gian xanh. Các vật liệu được khuyến khích thuộc nhóm hữu cơ bền vững, tiêu biểu như gỗ, đá, tre, nứa, sợi tự nhiên. Chúng không chỉ gợi lên kết cấu và tính thẩm mỹ của thiên nhiên, mà đồng thời mang đến sự kết nối xúc giác cho người cư ngụ. Ví dụ như cảm giác bước chân trên sàn gỗ, nghe mùi hương tự nhiên của tre, nứa…
2.4. Tận dụng ánh sáng tự nhiên
Ánh sáng tự nhiên là một trong những nguyên tắc cơ bản của thiết kế không gian xanh. Hãy bố trí các ô cửa lớn, khoảng thông tầng, giếng trời… để giúp ngôi nhà đón nhận nhiều ánh sáng mặt trời. Điều này còn có tác dụng tiết kiệm năng lượng và tạo ra những căn phòng tuân theo chu kỳ tự nhiên trong ngày, ảnh hưởng tích cực đến nhịp sinh học của cư dân.
2.5. Tạo điểm nhấn với cây xanh
Trồng cây xanh là cách trực tiếp nhất để mang thiên nhiên vào nhà. Ngoài vẻ đẹp thẩm mỹ, cây xanh còn cải thiện chất lượng không khí và mang lại không gian trong lành hơn.
2.6. Chọn phong cách thiết kế phù hợp
Mỗi phong cách thiết kế đều có những đặc trưng riêng, cũng như thể hiện “cái gu” riêng của gia chủ. Trong đó, có những phong cách kiến trúc rất phù hợp để tạo nên một không gian sống xanh ấn tượng. Cụ thể như:
- Phong cách Tropical (nhiệt đới): với nhiều màu sắc tươi sáng, hoa văn và cây xanh nhiệt đới
- Phong cách Nhật Bản: đặc trưng bởi các vật liệu tự nhiên, màu sắc thư thái, yên bình
- Phong cách Scandinavian (Bắc Âu): sử dụng nhiều ánh sáng tự nhiên và vật liệu hữu cơ
- Phong cách Rustic (mộc mạc): sử dụng nhiều vật liệu tự nhiên như gỗ, đá, tre, nứa
- Phong cách Organic: còn gọi là phong cách hữu cơ với cách thiết kế hướng đến sự kết nối chặt chẽ giữa con người và thiên nhiên.
10 ý tưởng thiết kế không gian xanh cho phần ngoại thất
Một không gian sống xanh sẽ được thể hiện ở cả bên trong lẫn bên ngoài. Trước hết, hãy đến với 10 ý tưởng thiết kế cho phần ngoại thất:
01. Thiết kế nhà với sân vườn
Sân vườn là giải pháp trực diện nhất để đem đến yếu tố xanh cho không gian sống. Việc thiết kế sân vườn không nhất thiết đòi hỏi diện tích đất lớn. Một khoảng không gian nhỏ phía trước hoặc sau nhà, sân thượng, lối đi dọc bên hiên… đều có thể được tận dụng để bố trí cây xanh, tạo thành một khu vườn xanh mát.
02. Tạo thảm thực vật cho phần sân thượng
Trồng cây trên sân thượng không chỉ giúp không giúp cải thiện môi trường sống mà còn là một giải pháp chống nóng cho ngôi nhà. Tuy nhiên, khi thiết kế vườn sân thượng cần đặc biệt chú ý đến các yếu tố kỹ thuật như hệ thống thoát nước, lớp cách nhiệt, hệ thống tưới tiêu. Ví dụ như ở thiết kế trên, phần mái nhà được thiết kế dốc nghiêng để tránh bị đọng nước, ngăn ngừa nguy cơ thấm dột.
03. Ốp tường ngoài trời bằng gỗ
Ốp tường ngoại thất bằng gỗ là phương án hiệu quả để tạo nên một không gian gắn kết với thiên nhiên. Mặt khác, gỗ còn có khả năng cách âm tốt, giảm thiểu tiếng ồn từ bên ngoài. Bạn hãy lưu ý chọn loại gỗ có khả năng chống ẩm tốt, chịu được điều kiện thời tiết ngoài trời.
04. Gạch thông gió kết hợp cây xanh
Ở mẫu thiết kế này, kiến trúc sư đã sử dụng hơn 20.000 viên gạch được ốp so le để tạo ra lỗ thông gió. Điều này giúp hạn chế ánh nắng gay gắt nhưng vẫn đảm bảo đủ ánh sáng cho ngôi nhà. Đồng thời, cây xanh được bố trí ở các tầng để gia chủ có thể thư giãn giữa thiên nhiên.
5. Bể cá sân vườn
Nước là một trong những nguyên tố phong thủy, giúp kiến tạo không gian xanh mát, hòa hợp tự nhiên. Tùy theo tình trạng khu đất của ngôi nhà, chúng ta hoàn toàn có thể bố trí một bể cá nhỏ kết hợp hòn non bộ; hoặc một hồ cá lớn bao quanh cả ngôi nhà như thiết kế của mẫu biệt thự trên đây.
06. Sử dụng bảng màu sắc tự nhiên
Việc sử dụng bảng màu không chỉ được thể hiện bằng nước sơn, mà còn qua cách chọn vật liệu cho ngoại thất ngôi nhà. Điển hình, căn biệt thự trên là sự kết hợp tinh tế giữa các gam màu nâu, be, trắng. Trong đó, một mảng tường được ốp gỗ tre màu cà phê là điểm nhấn nổi bật, tạo nên tổng thể đẹp mắt và gần gũi với môi trường xung quanh.
07. Thiết kế mặt tiền kết hợp cảnh quan hiện đại
Ở ngôi nhà này, các kiến trúc sư đã bố trí khoảng lùi sâu ở tầng 1 để tích hợp cảnh quan tự nhiên. Sự kết nối giữa các hình khối và khoảng trống không chỉ tạo ra hiệu ứng thị giác ấn tượng cho phần mặt tiền, mà còn thể hiện được sự giao thoa giữa ánh sáng và bóng tối; giữa không gian riêng tư với cảnh quan bên ngoài.
08. Vách tường hoặc ô cửa kính lớn
Ngôi nhà hiện đại này là ví dụ tuyệt vời về sự kết nối giữa không gian ngoại thất và nội thất. Trong đó, các khung kính lớn có tác dụng mở rộng tầm nhìn ra cảnh sắc ngoài trời, đồng thời giúp ánh sáng tự nhiên tràn vào ngôi nhà.
09. Thiết kế sân sau
Bề ngoài ngôi nhà này có vẻ khép kín để đảm bảo sự riêng tư, nhưng lại được mở ở phía sau với sân hiên và hồ bơi. Các kiến trúc sư giữ cách phối màu tối giản, với nền đơn sắc và một số chi tiết gọn gàng như gỗ trên kết cấu mái nhà hoặc lan can kính trên ban công. Hai bên hông nhà có hành lang cây xanh để tăng tính gần gũi tự nhiên.
10. Sử dụng lam gỗ ngoài trời
Lam gỗ không chỉ là giải pháp trang trí mang đến vẻ thẩm mỹ tự nhiên, mà còn có công năng che nắng, giảm tiếng ồn thâm nhập vào nhà. Bên cạnh đó, tính bền vững và thân thiện với môi trường của gỗ cũng là những yếu tố đáng cân nhắc.
25 ý tưởng thiết kế nội thất không gian xanh
Một không gian sống xanh tự nhiên có ảnh hưởng tích cực đến sức khỏe tinh thần của chúng ta. Hãy cùng khám phá 25 ý tưởng tích hợp các yếu tố tự nhiên trong thiết kế nội thất:
01. Hình khối tự nhiên (Organic shape)
Phong cách Organic (thiết kế hữu cơ) là xu hướng nổi bật trong những năm gần đây. Với những đường cong mềm mại và hình khối tự do lấy cảm hứng từ tự nhiên, phong cách này tạo nên một không gian xanh đầy ấn tượng.
02. Sàn gỗ
Sàn gỗ mang đến cảm giác tiếp đất thoải mái trong từng bước chân. Ngoài ra, sử dụng sàn gỗ cũng giúp không gian trở nên sang trọng, tinh tế và có chiều sâu hơn. Do gỗ tự nhiên có giá thành cao, hiện nay một bộ phận kiến trúc sư đã chuyển qua lựa chọn sàn tre để tối ưu chi phí. Bởi chất lượng và tính thẩm mỹ của sàn tre cũng khá tương đương với sàn gỗ tự nhiên.
03. Sơn tường bằng màu sắc dịu
Sơn tương bằng bảng màu sắc dịu là lựa chọn an toàn nếu bạn muốn tạo ra một không gian thanh bình và tự nhiên. Ở thiết kế trên, màu xanh lá pha trộn với xám nhạt đã đem đến cho căn phòng cảm giác tĩnh lặng mà vẫn trẻ trung. Ngoài ra, cách pha trộn màu xanh lá như trên cũng rất phù hợp để trang trí nội thất với cây xanh và hoa.
04. Tông màu đất
Bên cạnh màu xanh, bạn sẽ không bao giờ sai lầm khi chọn tông màu đất để tạo ra một không gian kết nối với thiên nhiên. Hãy pha trộn các màu nâu khác nhau cùng với màu be, trắng hoặc xám nhạt đem đến sự thanh lịch, hiện đại. Mặt khác, màu đất cũng khơi gợi cảm giảm thoải mái để nghỉ ngơi và thư giãn.
05. Giếng trời
Giếng trời mang ánh sáng tự nhiên vào bên trong ngôi nhà, giúp không gian sống trở nên sáng sủa, thông thoáng hơn. Bạn có thể kết hợp cây xanh cùng giếng trời như thiết kế trên đây để tạo vườn tiểu cảnh xanh mát và đẹp mắt.
06. Làm cho bức tường trông tự nhiên hơn
Hãy nhấn mạnh các yếu tố đem lại cảm giác tự nhiên. Ví dụ như thiết kế bức tường bằng vật liệu từ bê tông hoặc đá có thể đem lại cảm giác này.
07. Khoảng thông tầng kết hợp với cây xanh
Ở mẫu thiết kế này, kiến trúc sư đã bố trí khoảng thông tầng kết hợp giếng trời để không khí được lưu thông hiệu quả. Thiết kế này cũng giúp ngôi nhà ngập tràn ánh sáng tự nhiên, khắc phục đặc điểm bức bí của nhà ống ở khu vực đô thị. Cuối cùng là bố trí thêm cây xanh để tạo ra sự tươi mát, an lành.
08. Chất liệu đá
Đá là một trong những vật liệu tự nhiên linh hoạt nhất, giúp bạn có thể đem “thế giới bên ngoài” vào nhà mà không cần lo lắng đến vấn đề bảo trì. Nó phù hợp cho mặt sàn, tường ốp, mặt bàn và thậm chí là thành phần của nhiều món đồ nội thất. Đồng thời, cũng là vật liệu được trưng dụng trong thiết kế nhà vệ sinh và nhà bếp.
09. Tạo vườn cây ở hành lang hoặc ban công
Trong điều kiện sống ở đô thị, không phải ngôi nhà nào cũng có đủ diện tích để làm sân vườn. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể tận dụng các khoảng không gian như hành lang, ban công để thiết kế một khu vườn nhỏ. Đó sẽ là nơi hoàn hảo để bạn nạp năng lượng với một ly cà phê buổi sáng hoặc là một góc đọc sách tuyệt vời.
10. Cửa sổ lớn
Cảm giác tràn ngập ánh sáng là điều cần thiết trong thiết kế không gian xanh. Hãy bố trí các khung cửa lớn để tăng cường sự lưu thông không khí với giữa ngoài trời với trong nhà. Điển hình như căn hộ ở hình trên, với khung cửa lớn và ván ốp làm từ gỗ cây sồi, tổng thể thiết kế đem đến cảm giác như đang sống trong một ngôi nhà vườn.
11. Họa tiết trang trí lấy cảm hứng từ thiên nhiên
Sử dụng các chi tiết trang trí lấy cảm hứng từ cây cỏ, hoa lá là cách thú vị để truyền tải thiết kế nội thất lấy cảm hứng thiên nhiên vào ngôi nhà. Một lựa chọn khác là kết hợp giấy dán tường hoặc tranh tường có chủ đề thiên nhiên.
12. Kết hợp hài hòa giữa đá và gỗ
Đá và gỗ đều là hai vật liệu bền vững có nguồn gốc tự nhiên. Sự kết hợp giữa hai vật liệu này sẽ tạo nên một không gian xanh vừa thân thiện, vừa hiện đại. Ngoài ra, tường đá cũng rất phù hợp để tô điểm với cây xanh.
13. Sử dụng các vật liệu tái chế
Tôn trọng tự nhiên và bảo vệ môi trường là yếu tố cốt lõi ở không gian sống xanh. Với triết lý này, nhà thiết kế đã tận dụng các vật liệu tái chế như gỗ, thân cây khô, gỗ pallet để làm nội thất chủ đạo cho phòng ngủ.
14. Kết hợp với màu xanh olive
Màu xanh olive đang ngày càng được ưa chuộng trong thiết kế nội thất nhờ vẻ đẹp ấm áp, sang trọng và gần gũi với thiên nhiên. Màu sắc này mang đến cảm giác thư thái, yên bình và rất phù hợp với những ai yêu thích phong cách trang trí tinh tế.
15. Vách ngăn bằng tre
Vách tường bằng tre là một lựa chọn hoàn hảo để tạo nên không gian sống xanh, thân thiện với môi trường và mang đậm dấu ấn cá nhân. Ngoài ra, tre có khả năng hấp thụ các chất độc hại trong không khí, giúp chốn ở trở nên trong lành hơn.
16. Tối giản vật dụng
Việc tối giản vật dụng nhằm giảm thiểu lượng rác thải ra môi trường được đề cao trong xu hướng nội thất xanh. Mặt khác, với những căn hộ đô thị, lối thiết kế tối giản và tận dụng đồ nội thất đa chức năng sẽ giúp không gian thoáng đãng, tươi sáng hơn.
17. Vải sợi organic
Sợi tự nhiên có kết cấu mộc mạc, mang đến cảm giác êm dịu, gần gũi thiên nhiên. Sử dụng các loại sợi này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn mang đến cho bạn một không gian sống thoải mái, lành mạnh và đầy cảm hứng.
18. Đặt gương ở vị trí chiến lược
Một tip “ăn gian” trong thiết kế nội thất là sử dụng gương để tạo chiều sâu và cảm giác thoáng đãng. Khi đặt gương ở vị trí chiến lược như thiết kế trên đây, nó có thể phản chiếu ánh sáng tự nhiên từ bên ngoài cửa sổ, khiến không gian dường như xanh hơn.
19. Mô phỏng thiên nhiên
Vẻ đẹp tự nhiên là vô tận. Bạn có thể lấy cảm hứng từ những rặng núi, đường cong của sóng hay những dây leo uốn lượn… Bất cứ điều gì trong tự nhiên có thể truyền cảm hứng cho nội thất của bạn. Hoặc điển hình là hốc đá như thiết kế trên đây.
20. Tăng cường thông gió
Tăng cường thông gió là rất quan trọng để đảm bảo môi trường trong nhà lành mạnh, đặc biệt là trong bối cảnh thiết kế nội thất xanh. Một giải pháp đơn giản là thường xuyên mở cửa sổ và cửa ra vào. Một gợi ý khác là bạn có thể bố trí dạng cửa gập để nửa đóng nửa hở như thiết kế của căn phòng trên đây.
21. Tạo những góc thư giãn xanh mát
Tận dụng những ngóc ngách trong nhà để thiết kế không gian xanh nhằm thư giãn là ý tưởng tuyệt vời. Bạn có thể bố trí cây xanh, ghế đọc sách đồng thời kết hợp và những dấu ấn cá nhân như tác phẩm nghệ thuật hoặc ảnh.
22. Đồ nội thất gỗ
Một cách đơn giản để thêm nhiều yếu tố tự nhiên vào ngôi nhà là sử dụng đồ nội thất bằng gỗ. Có nhiều loại gỗ với tông màu khác nhau để lựa chọn, tất cả là tùy thuộc vào phong cách của gia chủ.
23. Đồ nội thất và phụ kiện mây tre
Đồ nội thất bằng mây tre cũng rất phù hợp để kiến tạo không gian xanh. Vẻ đẹp của những món đồ mây tre nằm ở phẩm chất tự nhiên của chúng, khi chạm vào bạn sẽ cảm thấy kết nối sâu sắc với thiên nhiên. Thay vì lựa chọn các sản phẩm sẵn có, bạn cũng có thể đặt hàng thiết kế nội thất tre để thể hiện tính cá nhân hóa riêng.
24. Tăng cường kết nối với ngoài trời
25. Cây trồng trong nhà
Cuối cùng, một không gian xanh không thể thiếu cây cối. Ngoài việc đẹp mắt, cây trồng trong nhà còn giúp thanh lọc không khí và mang lại tác dụng xoa dịu tự nhiên. Bạn có thể mang sự thanh bình của không gian ngoài trời tuyệt vời vào nhà mình bằng những loại cây ở mọi kích cỡ.
Tóm lại, không gian xanh không chỉ đơn thuần là một xu hướng thiết kế, mà còn là một phong cách sống hướng tới sự bền vững và hài hòa với thiên nhiên. Việc tạo ra một không gian sống xanh an lành không chỉ mang đến những lợi ích về sức khỏe, tinh thần mà còn góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống. Bạn có thể tham khảo thêm về vật liệu thiết kế cho phong cách này tại Ali nhé!
*Nguồn tham khảo:
https://www.brickandbatten.com/modern-house-exterior-designs/
https://www.tollbrothers.com/blog/natural-interior-design-ideas/
https://www.almadeluce.com/blog/the-influence-of-nature-on-interior-design/